benhvienmyphuoc.vn

TĂNG HUYẾT ÁP VÀ CÁC LƯU Ý KHI ĐO HUYẾT ÁP TẠI NHÀ

13/08/2024

Tăng huyết áp là một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, điều đáng lo ngại tăng huyết áp không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà đang có xu hướng trẻ hóa, rất nhiều người trẻ tuổi cũng bị tăng huyết áp. Bệnh thường diễn tiến âm thầm và được xem là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Việc phát hiện sớm tăng huyết áp và điều trị kịp thời giúp kiểm soát bệnh, giảm di chứng bệnh tật và tiết kiệm chi phí.

Hiện nay, biện pháp duy nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp là đo huyết áp, vậy nên mỗi người nên thường xuyên đến cơ sở y tế để kiểm tra hoặc đo huyết áp tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ và ghi nhớ số huyết áp của mình.

1. Tăng huyết áp là gì?

- Tăng huyết áp hay cao huyết áp là bệnh lý mạn tính, tình trạng này được xác định khi huyết áp đo tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg – Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch học Quốc gia về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Tiền tăng huyết áp khi nằm trong khoảng 120-139/80-89 mmHg và mức huyết áp bình thường khi < 120/80 mmHg.

2. Tại sao phải đo huyết áp tại nhà?

- Đo huyết áp thường xuyên là một việc làm rất cần thiết với người cao tuổi hoặc người đang gặp vấn đề về huyết áp như huyết áp cao hoặc huyết áp thấp. Nhờ kiểm tra và theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên, mà có thể phát hiện được các dấu hiệu bất thường của cơ thể, từ đó có cách xử lý phù hợp.

3. Nên đo huyết áp vào thời gian nào trong ngày?

- Do các chỉ số huyết áp luôn thay đổi, dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài, nên muốn kết luận được bạn có đang gặp vấn đề về huyết áp hay không thì cần theo dõi trong một khoảng thời gian nhất định.

- Thời điểm đo huyết áp phù hợp của mỗi người sẽ khác nhau, để kết quả đo huyết áp chính xác, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, bạn nên đo huyết áp vào một thời điểm cố định trong ngày

- Buổi sáng khi vừa thức dậy là lúc huyết áp thấp nhất trong ngày và sẽ tăng lên khi bạn thực hiện các hoạt động thể lực.

- Thông thường, mọi người sẽ đo huyết áp vào buổi sáng sau khi thức dậy khoảng 30 phút và trước bữa ăn sáng. Vì đây là lúc huyết áp ít bị ảnh hưởng bởi các hoạt động nhất.

- Bạn không nên đo huyết áp ngay sau khi thức dậy, sau bữa ăn hoặc ngay sau khi vận động mạnh - những thời điểm huyết áp dao động khá nhiều so với huyết áp thực tế của bạn.

4. Cách sử dụng máy đo huyết áp
4.1. Tư thế đo huyết áp

- Có thể lựa chọn tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái, tốt nhất nên nghỉ ngơi thư giãn trước khi đo 5 phút để kết quả chính xác nhất.

- Nếu thực hiện đo huyết áp theo tư thế ngồi, bạn cần:

- Ngồi thả lỏng ngay ngắn trên ghế có tựa lưng, không cong lưng.

- Hai chân để thoải mái trên mặt đất, chân chạm sàn, không được ngồi bắt chéo chân.Cánh tay đo huyết áp đặt lên bàn, duỗi thẳng tay, nếp khuỷu tay ngang mức với tim.

- Yêu cầu khi thực hiện đo huyết áp ở tư thế nằm:

  • Để bệnh nhân nằm ngửa, thẳng người.
  • Tay duỗi thẳng, xuôi theo thân mình.

Hình 1. Đo huyết áp ở tư thế ngồi và nằm

  • Nếu bệnh nhân cao tuổi hoặc người đang mắc bệnh tiểu đường, nên được đo huyết áp cả ở tư thế đứng để xác định bệnh nhân có hay không bị hạ huyết áp thế đứng.

4.2. Thực hiện đo huyết áp

- Sau khi xác định được tư thế đo huyết áp, bạn cần quấn vòng bít vào vị trí muốn đo huyết áp (cổ tay hoặc bắp tay).

- Hướng dẫn quấn vòng bít hay băng quấn tay để đo huyết áp:

Hình 2. Tư thế đo huyết áp khi ngồi

- Đối với máy đo huyết áp bắp tay:

  • Khi đo huyết áp tốt nhất bạn nên mặc áo ngắn tay, hoặc vén tay áo qua vị trí sẽ quấn vòng bít.
  • Quấn vòng bít vào cánh tay trái, trên khuỷu tay 2 đến 3 cm.
  • Chú ý, không nên quấn vòng bít quá chặt hoặc quá lỏng. Vòng bít phù hợp với bắp tay có chu vi từ 22 - 35 cm.

- Đối với máy đo huyết áp cổ tay:

  • Quấn vòng bít vào cổ tay, sao cho mép dưới của vòng bít cách cổ tay khoảng 1 ngón tay..
  • Đặt cổ tay lên bàn ở vị trí ngang tim.

- Tiến hành đo bằng máy đo huyết áp điện tử:

  • Bắt đầu, nhất nút ON/OFF trên màn hình để khởi động máy.
  • Vòng bít sẽ tự động được bơm hơi để tạo ra áp suất đo huyết áp. Nếu áp suất trong vòng bít không đủ, thiết bị sẽ tự động bơm thêm cho đến khi áp lực đủ đo.
  • Khi đã đạt mức cần thiết có thể đo được, áp suất vòng bít sẽ tự động giảm dần.
  • Kết quả 2 chỉ số huyết áp và nhịp tim sẽ hiển thị trên màn hình điện tử.

5. Hướng dẫn đọc kết quả đo huyết áp

- Sau khi đo xong, trên màn hình sẽ hiển thị kết quả 3 chỉ số bao gồm: huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và nhịp tim.

Hình 3. Các chỉ số có thể xuất hiện trên màn hình máy đo huyết áp điện tử

- Chỉ số huyết áp tâm thu (số lớn): thường hiển thị trên cùng.

- Chỉ số huyết áp tâm trương (số nhỏ): nằm ngay dưới chỉ số huyết áp tâm thu.

- Nhịp tim: là giá trị cuối cùng, ở dưới giá trị huyết áp tâm trương.

- Dựa vào các chỉ số trên, có thể đánh giá phân độ huyết áp như sau:

  • Mức huyết áp tối ưu: Khi giá trị huyết áp tâm thu nằm trong khoảng 90-119 mmHg và huyết áp tâm trương là 60 – 79 mmHg.
  • Mức huyết áp bình thường: Khi giá trị huyết áp tâm thu nằm trong khoảng 90-129 mmHg và huyết áp tâm trương là 60 - 84mmHg.
  • Huyết áp bình thường cao: Huyết áp tâm thu trong khoảng 130 - 139mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85 – 89mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 1: Là khi số đo huyết áp tâm thu có giá trị từ 140 - 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương khoảng 90 - 99 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 2: Chỉ số huyết áp tâm thu nằm trong khoảng 160 - 179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương có giá trị 100 - 109 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 3: Số đo huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương cũng lớn hơn hoặc bằng 110 mmHg.

6. Một số lưu ý khi đo huyết áp

  • Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 – 10 phút trước khi đo huyết áp, giữ tinh thần thoải mái, không nói chuyện trong khi đo.
  • Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ.
  • Cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.
  • Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút.
  • Nên ghi lại các chỉ số huyết áp sau mỗi lần đo vào một cuốn sổ, giúp bác sĩ có thể theo dõi được tình trạng huyết áp của bạn.

Nếu bạn đang băn khoăn về tình trạng sức khỏe của mình, hoặc đang do dự trong việc lựa chọn địa chỉ khám huyết áp uy tín, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước là nơi tin cậy dành cho bạn. Với thế mạnh sở hữu đội ngũ Bác sĩ - Chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị các bệnh lý huyết áp, tim mạch…Cùng hệ thống máy móc và trang thiết bị hiện đại giúp chẩn đoán nhanh chóng và chính xác, nâng cao hiệu quả điều trị và kiểm soát bệnh.

Để được tư vấn chi tiết hơn về các Dịch vụ khám chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước

Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 0274. 3535.777 bấm phím 1000 hoặc 1090 để được tư vấn tận tình nhé!

------------------------------------------------------------
Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước
Đường TC3, Tổ 6, Khu Phố 3, Phường Mỹ Phước, Thành  phố Bến Cát, Bình Dương.
ĐT: 0274.3535.777 Fax: 0274.3553.659
ĐT Cấp cứu: 0274.3535.115
Website: https://benhvienmyphuoc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/benhvienmyphuoc
Zalo OA: https://zalo.me/3218616946017588505