benhvienmyphuoc.vn

THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG CỔ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

27/06/2024

Thoát vị đĩa đệm cổ là tình trạng một hay nhiều đĩa đệm ở giữa những đốt sống cổ bị hư hại, trượt ra khỏi vị trí ban đầu, chèn ép lên tủy sống và rễ thần kinh trong ống sống, dẫn đến tình trạng đau nhức và rối loạn cảm giác.

1. NGUYÊN NHÂN
+ Tuổi

Tuổi tác là một yếu tố trực tiếp gây nên chứng bệnh này, vì các đĩa đệm thường trở nên dễ dàng bị thoát vị và mất độ dẻo dai theo thời gian. Lượng nước có trong phần đĩa đệm cũng suy giảm khiến cho nó trở nên thiếu linh hoạt.

+ Bẩm sinh và di truyền
Theo các khảo sát tổng hợp, gia đình có nhiều người mắc bệnh thì các thành viên còn lại sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

+ Vận động sai tư thế
Vận động sai tư thế cũng là nguyên nhân lớn dễ dẫn đến các chấn thương không đáng có cho cơ thể, phần cột sống sẽ bị biến dạng và bị lệch khỏi vị trí ban đầu.

+ Lối sống
Thói quen ăn uống mất kiểm soát dẫn đến béo phì, gây nên một áp lực lớn lên cột sống cổ và các đĩa đệm.
Ít vận động trong thời gian dài, ngồi quá lâu cũng là những lưu ý chúng ta cần tránh khi phòng ngừa bệnh.

+ Chấn thương
Một ngoại lực lớn tác động vào đĩa đệm cột sống cổ do chấn thương hoặc tai nạn lao động khiến đĩa đệm lệch ra khỏi vị trí ban đầu.

2. TRIỆU CHỨNG
Một số triệu chứng lâm sàng phổ biến mà người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hay gặp phải là:

  • Đau nhức vùng cổ vai gáy: Cơn đau không chỉ dừng lại ở vị trí đốt sống cổ bị thoát vị mà còn lan sang vùng bả vai, cánh tay thậm chí lên cả đầu và vùng hốc mắt. Cơn đau thường phát sinh đột ngột, tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
  • Tê bì tay chân: Do khối thoát vị đĩa đệm cổ chèn ép lên rễ thần kinh và tủy sống. Nếu rễ thần kinh bị chèn ép, cảm giác tê bì, râm ran xuất hiện chủ yếu tại vùng cánh tay, bàn tay và lan sang cả ngón tay. Còn trường hợp tủy sống bị chèn ép, cơn tê bì có thể sẽ xuất hiện ở cả tứ chi.
  • Hạn chế vận động: Những cơn đau, co cứng vùng cổ khiến người bệnh không thể thực hiện các hoạt động cúi, ngửa, xoay cổ một cách linh hoạt.
  • Yếu cơ: Đĩa đệm chèn ép vào tủy sống khiến các bó cơ ở chân và tay cũng yếu đi, không còn sức mạnh, khả năng vận động như trước.
  • Triệu chứng đi kèm: Một số triệu chứng liên quan đến hệ hô hấp, tiêu hóa, hệ bài tiết như táo bón, khó tiểu, khó thở, đau nhức lồng ngực,.. cũng có thể xảy ra.

3. CHẨN ĐOÁN
Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, đánh giá mức độ, tình trạng đau, phản xạ cơ, sức mạnh cơ. Dựa trên kết quả khám, bác sĩ sẽ đề xuất thêm một hay nhiều kỹ thuật chẩn đoán khác để đánh giá chính xác tình trạng bệnh:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): cho phép quan sát chi tiết hình ảnh đĩa đệm cũng như những tổn thương tại ống tủy, từ đó, xác định được tình trạng, mức độ của bệnh.
  • Chụp X-quang: giúp quan sát tốt hơn tình trạng của các đốt cột sống cổ, giúp xác định xem tình thoát vị có gây nên biến dạng hay hẹp các khoang xương hay không.
  • Chụp CT: Chụp cắt lớp vi tính, cho kết quả nhanh, quan sát được hình ảnh chi tiết cấu trúc xương của đốt sống cũng như một phần mô mềm, tủy sống.
  • Ghi điện cơ: Giúp khảo sát mức độ chèn ép rễ thần kinh vùng cổ, phân biệt với các bệnh lý hệ thần kinh ngoại biên và bệnh cơ.

Chụp Cộng hưởng từ (MRI) tại Bệnh viện Đa Khoa Mỹ Phước

4. BIẾN CHỨNG
+ Hội chứng chèn ép tủy
Là một biến chứng nguy hiểm của thoát vị đĩa đệm cổ. Đây là một tình trạng khẩn cấp và đòi hỏi can thiệp y tế ngay lập tức.
Một số ảnh hưởng của chứng ép tủy như: Áp lực trên tủy sống, cản trở lưu thông dịch não tủy.

+ Hẹp ống sống
Hẹp ống sống là một biến chứng phổ biến của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Hẹp ống sống xảy ra khi không gian trong ống sống, nơi tủy sống chạy qua, bị thu hẹp lại. Điều này có thể gây áp lực lên tủy sống và dây thần kinh

+ Thiếu máu não
Biến chứng Thiếu máu não có thể xuất hiện ở bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây cản trở máu lưu thông đến tủy sống và các mô xung quanh.

+ Chèn ép đám rối thần kinh cánh tay
Biến chứng chèn ép đám rối thần kinh cánh tay khiến cho người bệnh có cảm giác đau và khó chịu. Biến chứng này thường gây ra tình trạng đau nhức liên tục tại vùng cổ, phần vai và cánh tay. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, chèn ép đám rối thần kinh cánh tay có thể dẫn đến tê liệt tạm thời hoặc vĩnh viễn.

+ Biến chứng gây tàn phế
Khi phần đĩa đệm đè lên tủy sống trong một thời gian dài sẽ có nguy cơ tàn phế vĩnh viễn.

Biến chứng thoát vị đĩa đệm cổ chèn ép tuỷ

5. ĐIỀU TRỊ
+ Điều trị bảo tồn
Biện pháp hiệu quả nhất đề điều trị bệnh vẫn là điều trị bảo tồn, giảm triệu chứng bằng cách kết hợp sử dụng thuốc và các bài tập vật lý trị liệu.
Đối với thuốc, nhóm thuốc được khuyến cáo sử dụng nhiều nhất vẫn là chống viêm không steroid NSAID (aspirin, Ibuprofen,...) hoặc dòng cao cấp hơn là COX-2 để giúp giảm thiểu các tác dụng phụ.
Ngoài ra, các phương pháp vật lý trị liệu để xoa dịu cơn đau tức thời như: mát-xa, chườm nóng-lạnh, kéo giãn cột sống, trị liệu bằng điện,...

Bs CKII Lương Hoàng Bảo khám chuyên khoa cơ xương khớp tại MPH

+ Phẫu thuật
Trong một số ít trường hợp, thoát vị đĩa đệm cổ có thể làm tổn thương dây thần kinh đến bàng quang hoặc ruột. Tình trạng này có thể yêu cầu phải phẫu thuật khẩn cấp. Trường hợp điều trị bảo tồn không thành công trong thời gian dài cũng sẽ cần can thiệp phẫu thuật, mục đích là để giảm áp lực lên tủy sống và các dây thần kinh. Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật để giảm áp lực lên tủy sống và dây thần kinh, bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm để loại bỏ phần thoát vị
  • Phẫu thuật cắt bỏ để loại bỏ một phần xương xung quanh đĩa đệm thoát vị và mở rộng ống sống
  • Phẫu thuật thay thế đĩa đệm thoát vị bị hư hỏng bằng đĩa đệm nhân tạo

6. PHÒNG NGỪA

  • Rèn luyện thể chất thường xuyên với cường độ phù hợp.
  • Kiểm soát tốt cân nặng, tránh thừa cân, béo phì.
  • Thực hiện tư thế đúng trong sinh hoạt và lao động.
  • Chế độ ăn đảm bảo bổ sung đủ dưỡng chất cho cơ thể.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng thức uống chứa cồn.
  • Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, ít nhất 6 tháng/lần

------------------------------------------------------------
Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước
Đường TC3, Tổ 6, Khu Phố 3, Phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, Bình Dương.
ĐT: 0274.3535.777 Fax: 0274.3553.659
ĐT Cấp cứu: 0274.3535.115
Website: https://benhvienmyphuoc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/benhvienmyphuoc
Zalo OA: https://zalo.me/3218616946017588505