benhvienmyphuoc.vn

KHÔ MẮT - NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

17/06/2024

Khô mắt đang là căn bệnh phổ biến trong thời đại ngày nay khi chúng ta sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều. Nhất là đối tượng nhân viên văn phòng thường xuyên phải ngồi trước màn hình máy tính, đặc biệt là những lúc thời tiết nóng, lạnh, hanh khô kèm cường độ làm việc máy tính liên tục. BS CKI Tiêu Thị Cẩm Mai - Trưởng khoa Mắt MPH chia sẻ một số thông tin về bệnh lý Khô Mắt để hướng dẫn quý vị biết cách theo dõi và chăm sóc đôi mắt một cách tốt nhất.

Khô mắt tuy không quá nguy hiểm nhưng sẽ gây nên triệu chứng mắt nặng trĩu, mệt mỏi, đỏ, rát … giảm hiệu suất làm việc. Những biểu hiện thường thấy nhất là nhìn lờ mờ sau khi chớp mắt, chảy nước mắt, có khi ra ít ghèn trắng ở 2 khóe mắt.

Việc lựa chọn nơi uy tín, có chuyên môn để khám mắt định kỳ, nhận biết sớm các triệu chứng khô mắt cũng như cách phòng bệnh về mắt và bảo vệ đôi mắt của bạn trước các tác nhân từ môi trường, lối sống… Thông qua thăm khám, bạn sẽ hiểu hơn về sức khỏe đôi mắt, từ đó có các biện pháp khắc phục kịp thời bệnh, duy trì tầm nhìn, bảo vệ được đôi mắt trẻ, khỏe và đẹp hơn.
1. Khô mắt là gì ?

  • Khô mắt là một bệnh đa yếu tố của bề mặt nhãn cầu, trong đó sự bất ổn định màng phim nước mắt, tăng áp lực thẩm thấu của phim nước mắt, viêm và tổn hại bề mặt nhãn cầu, bất thường về thần kinh cảm giác đóng vai trò là nguyên nhân.
  • Mỗi lần nháy mắt, nước mắt sẽ dàn đều trên bề mặt nhãn cầu. Nước mắt sẽ làm bôi trơn bề mặt nhãn cầu, giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn mắt, rửa trôi các dị vật trong mắt và giữ cho bề mặt giác mạc, kết mạc phẳng, sạch sẽ.
  • Khi thừa, nước mắt sẽ chảy theo một hệ thống cống nhỏ ở góc trong của mi mắt gọi là hệ thống lệ đạo. Những người khô mắt có thể có các triệu chứng như: cảm giác khô rát, cộm như có cát trong mắt, đỏ hoặc nóng ở mắt. Một số người lại có cảm giác chảy nước mắt và giảm thị lực.
  • Khi khô mắt nặng lên sẽ gây tổn thương bề mặt nhãn cầu và giảm thị lực.

  • Mục đích điều trị khô mắt là phục hồi và duy trì số lượng nước mắt bình thường. Từ đó làm giảm các tổn thương kết mạc, giác mạc, hạn chế các cảm giác khó chịu của bệnh nhân cũng như duy trì đôi mắt khỏe mạnh.
  • Khô mắt ảnh hưởng đến một tỷ lệ đáng kể dân số, đặc biệt là những người lớn tuổi (ngoài 40 tuổi), phổ biến hơn ở phụ nữ.

2. Cấu tạo màng phim nước mắt

  • Lớp trong cùng (mỏng nhất): là một lớp nước nhầy, lớp này rất mỏng, chất nhầy được sản xuất bởi các tế bào ở kết mạc. Chất nhầy này giúp cho lớp nằm phía trên chảy xuống và trải đều trên mắt.
  • Lớp giữa (lớn nhất và dày nhất): là lớp dung dịch nước. Chức năng của lớp này là để giữ ẩm cho mắt và cho cảm giác thoải mái, đồng thời để rửa trôi bụi, mảnh vỡ, hoặc các vật lạ lọt vào mắt. Khi lớp này hoạt động không tốt là nguyên nhân phổ biến nhất của hội chứng khô mắt.
  • Lớp ngoài cùng: là một lớp lipid (chất béo hoặc dầu) rất mỏng, những chất béo được sản xuất bởi các tuyến meibomius. Chức năng chính của lớp lipid này là để giúp giảm sự bốc hơi của nước mắt

  

3. Các nguyên nhân gây ra Khô mắt
Khô mắt là một rối loạn phổ biến của màng phim nước mắt do một trong số các nguyên nhân sau:
Khô mắt do thiếu nước mắt:

  • Hội chứng Sjögren: là một bệnh lý tự miễn liên quan đến các tuyến ngoại tiết trong cơ thể như tuyến lệ, tuyến nước bọt. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là khô niêm mạc, phổ biến nhất là khô mắt và khô miệng. Ngoài tuyến lệ và tuyến nước bọt thì tuyến giáp, khớp, da, gan, phổi, thận và các tế bào thần kinh cũng chịu ảnh hưởng.
  • Bệnh tuyến lệ: không có tuyến lệ bẩm sinh, bệnh tuyến lệ mắc phải.
  • Tắc ống bài tiết tuyến lệ: mắt hột, Pemphigoid dạng sẹo, bỏng…
  • Phản xạ: viêm giác mạc do yếu tố thần kinh, đặt kính tiếp xúc, liệt dây thần kinh số VII…

Khô mắt do tăng bốc hơi:

  • Thiếu chất tiết của tuyến Meibomius
  • Hở mi
  • Ít chớp mắt
  • Thiếu vitamin A
  • Chất bảo quản của thuốc tra mắt
  • Các bệnh bề mặt nhãn cầu như dị ứng

Ảnh hưởng của yếu tố khác:

  • Tại mắt: giảm tần số chớp mắt, khe mi rộng…có thể gây khô mắt do nước mắt bị bốc hơi.
  • Tuổi cao.
  • Các thuốc toàn thân: thuốc tránh thai, thuốc kháng histamin, thuốc chữa rối loạn nhịp tim, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, hóa trị liệu… có thể làm giảm tiết nước mắt.
  • Môi trường bên ngoài: độ ẩm thấp (trời khô hanh, phòng điều hòa, gió mạnh…)
  • Môi trường làm việc: khi đọc, làm việc với máy tính kéo dài, hoặc thực hiện công việc đòi hỏi sự tập trung với đôi mắt, khi đo chớp mắt sẽ không thường xuyên, điều này gây bốc hơi nước mắt quá mức và dẫn tới khô mắt.

4. Các triệu chứng

  • Cảm giác cộm, khô
  • Nóng rát hoặc ngứa trong mắt
  • Đỏ mắt
  • Mờ mắt
  • Cảm giác có một vật lạ trong mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Chảy nước mắt

Các triệu chứng này có thể nặng hơn ở vùng khí hậu khô, trong điều kiện gió, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp (trời khô hanh) và việc tập trung mắt kéo dài (ví dụ: đọc sách, xem ti vi… trong ánh sáng tối), ngồi phòng điều hòa, sử dụng máy tính….
5. Chẩn đoán Khô mắt cần dựa vào thăm khám mắt một cách toàn diện, cùng với các test xác định số lượng và chất lượng của màng phim nước mắt, bao gồm:

  • Khai thác bệnh sử của bệnh nhân về các triệu chứng khó chịu, các bệnh toàn thân, các thuốc sử dụng trước đây, yếu tố môi trường sống và làm việc cũng góp phần gây ra khô mắt.
  • Khám bên ngoài nhãn cầu: các bất thường khi mi mắt hoạt động (lật mi hoặc hở mi khi nhắm mắt), tần số chớp mắt.
  • Đánh giá tổn thương kết giác mạc: khám dưới sinh hiển vi với đèn khe và độ phóng đại 8 - 20 lần, sử dụng thuốc nhuộm (thường dùng Fluorescein).
  • Đánh giá sự bất thường về số lượng và chất lượng nước mắt: cần làm các test kiểm tra bởi các bác sỹ chuyên khoa mắt, để xác định có khô mắt hay không, rồi đưa ra lời khuyên cũng như phương pháp điều trị.

Một số xét nghiệm sử dụng để chẩn đoán khô mắt:
Fluorescein (TBUT test):

 

  • Đánh giá thời gian phá vỡ phim nước mắt (ở người bị khô mắt thì thời gian này dưới 10 giây)

  • Đánh giá hình thái phá vỡ phim nước mắt. Fluorescein cũng là một loại thuốc nhuộm giúp phân biệt tế bào biểu mô (bề mặt) đã bị tổn thương do thiếu màng phim nước mắt bảo vệ.

       Vỡ dạng đốm                                                                            Vỡ dạng lượn sóng

  • Kiểm tra lượng nước mắt (Schirmer test): đánh giá lượng nước mắt được sản xuất ra, bằng cách đặt dải giấy thấm nhỏ (giấy chuyên dụng) giữa mi dưới và nhãn cầu, sau 5 phút đánh giá lượng giấy bị thấm ướt (đo bằng mm).

  • Đo áp lực thẩm thấu của nước mắt: đây là một thử nghiệm mới được phát triển để hỗ trợ trong việc chẩn đoán khô mắt.
  • Nếu bệnh tự miễn bị nghi ngờ là nguyên nhân của khô mắt, xét nghiệm máu có thể được thực hiện. Những xét nghiệm máu kiểm tra sự hiện diện của kháng thể khác nhau mà có thể liên quan đến khô mắt.

6. Một số loại thuốc điều trị khô mắt

  • Nước mắt nhân tạo, gel bôi trơn, và một số loại thuốc đặc trị khác tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý

7. Phẫu thuật

  • Lựa chọn một số tiểu phẫu trong điều trị khô mắt, tuy không phổ biến nhưng cũng có hiệu quả nhất định:
  • Nút điểm lệ hạn chế thoát nước mắt: nút tạm thời (nút collagen) hoặc nút silicon có thể tháo bỏ, hoặc nút vĩnh viễn với trường hợp khô mắt nặng.
  • Khâu cò mi: là một phẫu thuật trong đó một phần ba của mi mắt được khâu lại với nhau để làm mắt không mở lớn và mi mắt dễ dàng nhắm hơn.

8. Hướng dẫn chăm sóc khi bị khô mắt

  • Người bị khô mắt có thể tự chăm sóc tại nhà, để giúp làm giảm triệu chứng khô mắt, bạn có thể:
  • Nếu nhận thấy đôi mắt của mình chủ yếu bị khô trong khi bạn đang đọc sách hoặc xem ti vi; nên nghỉ giải lao, nháy mắt thường xuyên để đôi mắt được nghỉ ngơi.
  • Hạn chế dùng điều hòa không khí, tránh ngồi trước quạt gió.
  • Hạn chế tiếp xúc với gió, khói bụi: sử dụng kính bảo hộ khi đi ra ngoài để làm giảm tác hại của nắng và gió.
  • Sử dụng nước mắt nhân tạo và gel bôi trơn giúp cung cấp độ ẩm và bôi trơn cho bề mặt nhãn cầu. Tuy nhiên, độ dày thuốc mỡ có thể làm mờ tầm nhìn của bạn nếu được sử dụng trong ngày. Vì vậy, thuốc mỡ thường được sử dụng để bôi trơn mắt qua đêm trong khi bạn đang ngủ.
  • Hãy uống nhiều nước (02 lít nước mỗi ngày).

----------------------------------------------------------------
Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước
Đường TC3, Tổ 6, Khu Phố 3, Phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, Bình Dương.
ĐT: 0274.3535.777 Fax: 0274.3553.659
ĐT Cấp cứu: 0274.3535.115
Website: https://benhvienmyphuoc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/benhvienmyphuoc