benhvienmyphuoc.vn

NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIÊT VỀ NỘI SOI THỰC QUẢN - DẠ DÀY - TÁ TRÀNG

28/05/2020

Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng là thủ thuật an toàn nhằm mục đích phát hiện các bệnh về thực quản, dạ dày, tá tràng. Thông qua hình ảnh nội soi bác sĩ sẽ chẩn đoán được chính xác tình trạng tổn thương tại các cơ quan đó. Từ đó, có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp và hiệu quả đối với từng trường hợp. Để giảm bớt tâm trạng lo lắng trước khi tiến hành, bạn hãy cập nhật một số thông tin cơ bản về thủ thuật nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng.

1.  Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng là gì?
Đây là một phương pháp thăm khám trực tiếp phần trên của ống tiêu hóa (Bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng) nhờ vào một ống soi mềm nhỏ đường kính khoảng 1cm đưa vào qua đường miệng.

Nhờ quan sát hình ảnh trên máy soi, bác sĩ có thể biết được các bất thường đang xảy ra bên trong ống tiêu hóa. Từ đó, có được chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp.

Nội soi ngày càng được sử dụng rộng rãi

2.  Tại sao phải nội soi dạ dày?
Ống tiêu hóa là một cơ quan rất khó chẩn đoán bệnh lý. Các phương pháp hiện đại như siêu âm, chụp cắt lớp điện toán (CT) hay cộng hưởng từ (MRI) dù rất đắt tiền nhưng vẫn ít có giá trị trong chẩn đoán bệnh lý ống tiêu hóa. X - quang dạ dày bằng cách bơm baryt có thể dùng trong một số trường hợp nhưng vẫn không chính xác bằng nội soi. Qua máy nội soi, bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương rất nhỏ chỉ vài milimet, có thể sinh thiết để tìm tế bào ung thư, có thể xét nghiệm để tìm vi trùng Helicobacter Pylori gây bệnh.

Nội soi dạ dày còn có thể dùng để theo dõi quá trình điều trị các tổn thương loét, điều trị nhiễm khuẩn. Đối với các trường hợp đang xuất huyết, nội soi có thể được tiến hành khẩn cấp để phát hiện và điều trị chỗ chảy máu, tránh khỏi phải mổ; nội soi lấy dị vật đường tiêu hóa trên như răng giả, tăm xỉa răng, xương cá, viên thuốc còn trong vỉ, đồng xu …. Tránh được phẫu thuật do biến chứng các dị vật gây ra.

Nội soi bệnh giúp phát hiện bệnh chính xác và kịp thời

3.  Những ai phải soi dạ dày?
Chỉ định soi dạ dày rất rộng rãi. Hầu như tất cả bệnh nhân nghi ngờ có vấn đề ở đường tiêu hóa trên đều phải soi dạ dày. Các lý do thường nhất là :

  • Đau thượng vị
  • Ói
  • Cảm giác khó tiêu, ợ hơi, nuốt khó
  • Ói máu hoặc đi cầu phân đen
  • Nghi ngờ có nuốt dị vật (Tăm xỉa răng, xương cá, răng giả, viên thuốc còn trong vỉ, đồng xu …)
  • Thiếu máu chưa rõ nguyên nhân

Ngay cả khi chẩn đoán đã rõ ràng (viêm, loét hay u v,v …), bệnh nhân cũng có thể được chỉ định nội soi dạ dày để lấy mẩu xét nghiệm tìm vi trùng hay tìm tế bào ung thư.

Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân cần được soi lại để đánh giá kết quả:

  • Mức độ lành của ổ loét
  • Sự thay đổi của niêm mạc dạ dày qua mô bệnh học
  • Sự hiện diện của HP (Helicobacter Pylori) còn hay không?

4.  Nội soi có nguy hiểm không?
Nói chung, đây là một thủ thuật an toàn và rất ít khi có biến chứng. Nhũng vấn đề thường gặp là cảm giác hơi đau họng sau khi soi. Do tính chất an toàn của thủ thuật, nội soi dạ dày có thể thực hiện cho cả bệnh nhân ngoại trú mà không cần phải nhập viện.

5.  Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi nội soi?
Việc chuẩn bị về phía bệnh nhân là hết sức đơn giản.

Trước khi nội soi bạn phải nhịn ăn hoàn toàn trong 6 giờ

Cần nhịn ăn và uống các thức uống có màu trước khi nội soi ít nhất 6 giờ. Việc nhịn ăn nhằm ngăn ngừa ói, bảo vệ đường thở và giúp bác sĩ soi thấy rõ tổn thương.
Nếu bệnh nhân đang phải uống thuốc, cần thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc đang uống.

6.  Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng được thực hiện ra sao?
Nội soi được tiến hành ở phòng nội soi với ít nhất 01 bác sĩ và 1đến 2 kỹ thuật viên. Trước khi soi bệnh nhân sẽ được xịt họng bằng thuốc tê. Thuốc tê được dùng để làm bớt khó chịu khi đưa ống soi vào. Hoặc người bệnh có thể chọn phương pháp nội soi gây mê (Nội soi không đau)

Bệnh soi ở tư thế nằm nghiêng trái

Máy soi được đưa qua họng vào thực quản. Lúc đầu, có cảm giác khó chịu, nghẹn và muốn ho hay sặc. Cảm giác này chỉ là thoáng qua và bệnh nhân sẽ trở lại bình thường nhanh chóng. Bệnh nhân nên có gắng hít sau và thở chậm ra để giảm bớt cảm giác buồn ói.

Toàn bộ quá trình nội soi kéo dài khoảng 5- 10 phút, nhanh nhất nếu được sự hợp tác của bệnh nhân. Trong vài trường hợp, bác sĩ cần phải làm sinh thiết để lấy một mẫu mô nhỏ (# 1mm) để thử. Việc sinh thiết không làm đau đớn và không gây cảm giác khó chịu nào.

7.  Cần chú ý gì sau khi soi dạ dày?
Bệnh nhân có thể nghỉ ngơi một thời gian ngắn trước khi về. Không được ăn uống trong vòng 1 giờ sau soi vì thuốc tê vẫn còn hiệu lực.

Sau nội soi không nên ăn bất cứ thứ gì và nghỉ ngơi tại chỗ trước khi ra về

Bệnh nhân có thể ghi nhận một số vấn đề thường gặp sau soi dạ dày:

  • Cảm giác đau họng ít.
  • Bụng có cảm giác chướng hơi nhẹ.
  • Bác sĩ soi sẽ giải thích về các tổn thương ghi nhận và điều dưỡng sẽ hẹn ngày lấy kết quả sinh thiết nếu có. Cần lấy kết quả sinh thiết sớm vì nó rất quan trọng để có chẩn đoán chính xác.

-------------------------------------------

Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước