benhvienmyphuoc.vn

MPH: PHÁT HIỆN VI KHUẨN H.PYLORI VỚI PHƯƠNG PHÁP TEST HƠI THỞ C13

19/09/2022

Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân gây nên viêm loét dạ dày, tá tràng và có thể gây ra ung thư dạ dày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh. Điều đáng quan ngại là vi khuẩn HP có thể tồn tại trong dạ dày trong nhiều năm trời mà không gây ra bất kỳ biểu hiện nào. Việc hiểu về loại vi khuẩn này, triệu chứng, cách lây lan, phòng ngừa cũng như có phương án phát hiện giúp người bệnh đưa ra những lựa chọn điều trị hợp lý nhất.

 

Những điều cần biết về vi khuẩn HP

1. Vi khuẩn HP là gì?

Vi khuẩn HP (còn gọi là Helicobacter pylori, H. pylori, Campylobacter pylori) là một loại xoắn khuẩn gram âm. Vi khuẩn HP được 2 nhà khoa học Robin Warren và Barry Marshall phát hiện vào năm 1982. Vi khuẩn HP sống trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày, có khả năng gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng, hay ung thư dạ dày.


 

2. Cơ chế hoạt động và triệu chứng bệnh

Vi khuẩn HP có hình dạng xoắn ốc giúp vi khuẩn thâm nhập dễ dàng vào lớp chất nhầy niêm mạc dạ dày. 

Vi khuẩn HP có thể tồn tại trong môi trường acid dạ dày bằng cách tiết ra một loại enzyme là Urease giúp nó trung hòa độ acid trong dạ dày. 

Bên cạnh đó, vi khuẩn HP đã tiết ra chất kích thích dạ dày sản sinh nhiều axit hơn, đồng thời tạo nên một số độc tố làm tổn thương các tế bào nằm bên dưới lớp nhầy, làm suy yếu lớp nhầy bảo vệ dạ dày và khiến cho niêm mạc dạ dày bị ăn mòn gây ra tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng.

Dù vậy, trong hầu hết các trường hợp, những người bị nhiễm vi khuẩn này không có triệu chứng bệnh lý nào. Cho đến khi, gây ra các tổn thương trên bề mặt viêm mạc dạ dày, người bệnh mới nhận thấy được các triệu chứng lâm sàng: đau bụng thượng vị, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, ợ hơi…

Khi đó, nếu không điều trị, các bệnh lý viêm, loét dạ dày, tá tràng sẽ dần phát triển thành các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày và ung thư dạ dày.

3. Các con đường lây lan của vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP tồn tại trong nước bọt, mảng bám trên răng và khoang miệng, và tồn tại trên phân của người bệnh khi đào thải ra môi trường. Do đó, vi khuẩn HP lây lan khi dùng chung bát đũa, hôn trực tiếp, mẹ mớm đồ ăn cho con, ăn đồ sống, không rửa tay khi ăn, các vật ký sinh trung gian như chuột, gián, ruồi… truyền nhiễm. 

4. Phòng ngừa nhiễm vi khuẩn HP

Hiểu rõ các con đường lây nhiễm của vi khuẩn HP giúp chúng ta chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi khuẩn HP: 

  • Không sử dụng chung bát đũa, nước chấm hay gắp thức ăn cho nhau, tránh uống chung cốc, mớm cơm cho trẻ nhỏ. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP, nên tiến hành cách ly, không dùng chung đồ ăn.
  • Rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi ăn và đi vệ sinh. Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến thức ăn và lựa chọn thực phẩm sạch, sơ chế ngâm rửa kỹ trước khi chế biến thức ăn.
  • Hạn chế các loại đồ ăn sống như: rau sống, gỏi, đồ ăn lên men….
  • Không ăn thức ăn đường phố, vỉa hè, hay tại các cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 
  • Tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng, ngủ đủ giấc, hạn chế bia rượu.

Các phương pháp phát hiện vi khuẩn HP phổ biến

Vi khuẩn HP được phát hiện khi:

  • Bệnh nhân thực hiện xét nghiệm thường quy định kỳ;
  • Bác sĩ chỉ định cho trường hợp bệnh nhân có các dấu hiệu dai dẳng, bất thường liên quan đến bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng;
  • Kiểm tra người bệnh đã hết hoàn toàn hay chưa sau quá trình điều trị bệnh từ vi khuẩn HP;

Các phương pháp xét nghiệm bao gồm:

1. Clo test

Để thực hiện clo test, nhân viên lấy một ít niêm mạc dạ dày, lắc mẫu bệnh phẩm với dung dịch urea – indol. 

  • Nếu dung dịch chuyển sang màu hồng cánh sen: kết luận dương tính.
  • Nếu dung dịch không đổi màu, hay hơi ngả vàng: kết luận âm tính.

Clo test có ưu điểm là chi phí thực hiện rẻ, dễ thực hiện, là phương pháp phổ biến có tại mọi cơ sở y tế. Nhược điểm là kết quả thiếu chính xác, không đáng tin, có thể cho kết quả dương tính giả.

2. Xét nghiệm máu

Cơ chế của phương pháp này là tìm kháng thể đặc hiệu được cơ thể sản sinh ra (HP – IgG và HP – IgM). 

Đây là loại xét nghiệm phổ biến, dễ thực hiện, có mặt ở hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh. Nhược điểm của xét nghiệm máu là có thể cho kết quả dương tính giả nếu bệnh nhân đã điều trị khỏi HP nhưng kháng thể vẫn còn lưu lại trong máu. Hoặc vi khuẩn HP có thể tồn tại trong khoang miệng, xoang, đường ruột,… nhưng lại không gây bệnh.

3. Xét nghiệm phân

Xét nghiệm phân giúp tìm ra kháng nguyên (là các phần tử kích thích hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm khuẩn) của vi khuẩn Hp lẫn trong phân bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang. 

Xét nghiệm phân có tính chính xác cao, chi phí hợp lý nhưng xét nghiệm này không cho kết quả nhanh chóng và bất tiện với cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế.

4. Kháng sinh đồ

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi nhỏ có gắn camera luồn vào dạ dày, tá tràng qua ống thực quản và xác định vị trí tổn thương. Một mảnh sinh thiết quanh vị trí tổn thương dạ dày được lấy ra ngoài để làm xét nghiệm Clo Test hoặc thực hiện nuôi cấy vi khuẩn, hoặc chỉ đơn giản là quan sát hình thái của tổn thương.

5. Test vi khuẩn HP bằng hơi thở (Urea Breath Test)

Đây là phương pháp phổ biến nhất, được xem như “tiêu chuẩn vàng” cho chẩn đoán nhiễm khuẩn HP trong phòng thí nghiệm.

Trước khi thực hiện test hơi thở, người bệnh được cho uống một dung dịch có chứa đồng vị cacbon. Sau đó, bệnh nhân sẽ cầm trên tay một thiết bị (giống như quả bóng hoặc chiếc thẻ ATM) và thở vào đó. Hơi thở của bệnh nhân sẽ được kiểm tra và đánh giá trên thiết bị phân tích, từ đó xác định được vi khuẩn Hp có hoạt động trong dạ dày không.

 

Test hơi thở C13 cho kết quả rất chính xác, thời gian làm test khá nhanh, bác sĩ không cần thực hiện can thiệp.

Việc test hơi thở C13 rất đơn giản, chỉ cần tuân thủ các yêu cầu y tế sau là có thể thực hiện được:

  • Nhịn ăn ít nhất 6 giờ.
  • Chỉ uống nước lọc, không uống cà phê, nước ngọt.
  • Ngưng sử dụng thuốc kháng sinh tối thiểu 4 tuần, ngừng thuốc tiết axit dạ dày tối thiểu 2 tuần.

Quy trình của test hơi thở :

  1. Thở căng khí vào túi bóng số 1.
  2. Uống một hỗn hợp dung dịch có chứa C13.
  3. Ngời nghỉ ngơi 30 phút, trong thời gian nghỉ ngơi: không nói chuyện, không ăn uống, hạn chế đi lại.
  4. Thở căng khí vào túi bóng số 2.
  5. Nhân viên xét nghiệm chạy kết quả xét nghiệm trên hệ thống. Trả kết quả sau 10 – 15 phút.

 

Phương pháp test hơi thở C13 được giới y tế và bệnh nhân đánh giá là tối ưu nhất để phát hiện vi khuẩn HP. Từ đó, bác sĩ đưa ra các chẩn đoán bệnh lý và phương án điều trị phù hợp. 

Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định hoặc yêu cầu chọn phương pháp phù hợp theo tư vấn của bác sĩ. Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ 0274.3535.777 - Ext 1090

------------------------------------------------------------
Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước
Đường TC3, Tổ 6, Khu Phố 3, Phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, Bình Dương.
ĐT: 0274.3535.777 Fax: 0274.3553.659
ĐT Cấp cứu: 0274.3535.115
Website: https://benhvienmyphuoc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/benhvienmyphuoc