benhvienmyphuoc.vn

Vai trò của chẩn đoán hình ảnh trong tầm soát ung thư vú

27/03/2020

Ung thư vú là một bệnh lý thường gặp nhất ở nữ giới, chiếm 22,9 % các loại ung thư xâm lấn ở phụ nữ và khoảng 16% trong tất cả các loại ung thư ở nữ giới.

Nếu phát hiện muộn, bệnh nhân thường phải trải qua một phác đồ điều trị nặng nề nhưng tỷ lệ tử vong còn cao, thời gian sống thêm ngắn. Do đó, sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vú là một việc làm cần thiết, làm giảm các thiệt hại về sức khỏe và kinh tế cho người bệnh.
Hiện nay có nhiều phương pháp sàng lọc, tầm soát ung thư vú, đơn giản nhất là khám lâm sàng tuyến vú và tự khám vú. Khi phát hiện một khối bất thường ở vú, để phân biệt được tổn thương là lành hay ác, người bệnh thường được yêu cầu thực hiện siêu âm vú, chụp nhũ ảnh và FNA. Đây là bộ 3 trong chẩn đoán ung thư vú mang lai hiệu quả cao, ngoài ra còn có chụp MRI vú, siêu âm vú 4D …
Trong bài này chúng tôi muốn nói đến siêu âm, x quang và chọc hút tế bào.

1. Siêu âm vú: là một phương pháp ít tốn kém, đơn giản, bác sĩ sẽ sử dụng sóng siêu âm kiểm tra toàn bộ vùng mô tuyến vú và hai bên hố nách của người bệnh.
 

 Siêu âm vú

Siêu âm giúp đánh giá, phân biệt một tổn thương dạng nang và một tổn thương dạng đặc, tổn thương dạng viêm hay u. Sau khi xác nhận có tổn thương khu trú ở vú chúng ta tiến hành phân loại BIRADS (Breast Imaging Reporting and Data System) của hiệp hội điện quang Mỹ (ACR) đánh giá nguy cơ và khả năng ác tính của tổn thương cao hay thấp. Qua đó sẽ có hướng dẫn cụ thể cho người bệnh, qua bảng phân loại nêu trên chúng ta có tỷ lệ tổn thương nguy cơ ác tính cao hay thấp để thực hiện các cận lâm sàng tiếp theo như chụp nhũ ảnh, FNA.

2. Nhũ ảnh: là phương pháp dùng một lượng ít tia X để cho hình ảnh chi tiết của tuyến vú, có thể thấy những tổn thương trên vú, đặc biệt là điểm vôi hóa rất nhỏ (vi vôi).
 

Chụp nhũ ảnh

Đây là vấn dấu hiệ rất nhạy trên X quang để tầm soát ung thư vú, cùng với các đặc điểm khác của tổn thương như đường, bờ, số lượng vi vôi, co kéo da vú…. mà các bác sĩ phân loại tổn thương đó theo phân loại BIRADS, đánh giá khả năng ác tính của khối u. Nhiều nghiên cứu cho thấy tầm soát bằng nhũ ảnh giúp giảm tử suất của ung thư vú khoảng 30%. Vì vậy, Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ và Hội Ung thư Hoa Kỳ đề xuất nên chụp nhũ ảnh mỗi 1-2 năm cho những phụ nữ trên 40 tuổi. Khi nhũ ảnh và siêu âm tuyến vú đánh giá một khối u có nguy cơ ác tính (BIRADS 4) hay nghi ngờ khối u ác tính, FNA sẽ được thực hiện.

3. Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA – Fine Needle Aspiration): là kĩ thuật đơn giãn, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao.
 

Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA – Fine Needle Aspiration)

Dùng một kim nhỏ 22G chọc vào khối u dưới hướng dẫn của siêu âm và hút lấy một mẫu bệnh phẩm. Mẫu bệnh phẩm này được làm xét nghiệm tế bào học để cho kết quả tế bào loại nào, có ác tính hay không.
Trên đây là bộ ba thường sử dụng trong tầm soát ung thư vú.

Ung thư vú nếu được phát hiện sớm, cách điều trị thường là phẫu thuật bảo tồn tuyến vú: chỉ lấy khối bướu và mô bình thường cách rìa bướu 1–2 cm và có thể khỏi hoàn toàn. Do đó sàng lọc ung thư vú là một việc làm cần thiết, giảm thiểu tối đa các nguy cơ cho bệnh nhân.

-------------------------------------------------------------

 

Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước