benhvienmyphuoc.vn

Phẫu thuật nội soi ổ bụng chẩn đoán và điều trị thai ngoài tử cung

05/06/2020

Nội soi chẩn đoán và điều trị TNTC là phương pháp nhẹ nhàng; giúp chẩn đoán kịp thời, nhanh chóng các trường hợp nghi ngờ TNTC, tránh tình trạng vỡ khối thai làm chảy máu ồ ạt có thể gây tử vong, hoặc suy yếu sức khỏe người bệnh. Ngoài ra, chẩn đoán TNTC sớm có thể giúp điều trị bảo tồn được vòi trứng, người bệnh phục hồi phục sức khỏe nhanh, xuất viện sớm trong 24 – 48 giờ sau nội soi.

DẤU HIỆU NGHI NGỜ BỊ THAI NGOÀI TỬ CUNG (TNTC) LÀ GÌ?

Mọi phụ nữ trong độ tuổi còn sinh đẻ có các dấu hiệu sau:

  • TRỄ KINH, hoặc ra kinh rất ít, không giống các lần có kinh như bất thường.
  • ĐAU BỤNG: đau âm ỉ vùng bụng dưới, thỉnh thoảng có đau nhói, hoặc đau vã mồ hôi muốn ngất (khi TNTC bị vỡ).
  • RA HUYẾT ÂM ĐẠO BẤT THƯỜNG: ra huyết lượng vừa hay ít, màu đen sậm hay đỏ sậm, rỉ rả, kéo dài

CHẨN ĐOÁN SỚM TNTC BẰNG CÁCH NÀO?
Khám phụ khoa: Có thể sờ thấy tử cung to, mềm, và có thể có một khối ấn đau hoặc thốn, nằm cạnh một bên tử cung.

Thử máu hoặc thử nước tiểu: Giúp chẩn đoán có thai, nhưng chưa thể xác định được thai nằm ngoài trong tử cung hay nằm ngoài tử cung.

Siêu âm: Không thấy có thai trong tử cung, mà có khối bất thường nằm cạnh một bên tử cung và gợi ý là khối thai; ngoài ra còn có thể thấy lớp nội mạc của tử cung dày lên, trong bụng có dịch…

Phẫu thuật nội soi ổ bụng: Sau khi đã thăm khám, thử máu và siêu âm, nếu vẫn chưa xác định chắc chắn TNTC, bác sĩ sẽ dùng phương pháp nội soi ổ bụng chẩn đoán.

Đồng thời trong khi thực hiện nội soi chẩn đoán, các bác sĩ cũng sẽ tiến hành luôn nội soi điều trị lấy bỏ khối TNTC, khi đã xác định chính xác có TNTC trong bụng.

PHẪU THUẬT NỘI SOI Ổ BỤNG CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ TNTC.

 

Người bệnh được gây mê cho ngủ

Bác sĩ thực hiện bơm hơi vào ổ bụng người bệnh, nhờ đó có thể dễ dàng quan sát các cơ quan trong bụng và tìm kiếm khối TNTC.

Bác sĩ quan sát rõ tử cung, vòi trúng, buồng trứng, gan, ruột… của người bệnh, nhờ vào hệ thống thu và phát các hình ảnh; các hình ảnh trong bụng sẽ phát ra trên màn hình ti-vi chuyên dụng khi đang phẫu thuật.

Sau khi xác định có TNTC và vị trí khối thai, bác sĩ tiến hành luôn việc lấy bỏ khối TNTC. Nếu không tìm thấy khối TNTC, và có gợi ý đến đây là thai nằm trong tử cung, thì bác sĩ sẽ ngưng nội soi lại.
Thời gian thực hiện nội soi chẩn đoán khoảng 10 – 15 phút.

TẠI SAO PHẪU THUẬT NỘI SOI LÀ MỘT CHỌN LỰA TRONG CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ THAI NGOÀI TỬ CUNG?

Đây là phương pháp giúp chẩn đoán và xử trí sớm TNTC, tránh tình trạng xử trí muộn, TNTC bị vỡ gây choáng mất máu, người bệnh phải bị truyền máu, thậm chí có thể tử vong do mất máu nhiều.

Trước phẫu thuật, bác sĩ gây mê sẽ khám, đánh giá các nguy cơ và rủi ro gặp phải khi gây mê phẫu thuật cho người bệnh, lựa chọn thuốc an toàn sử dụng trong gây mê.

Các vết mổ trong bụng rất nhỏ khoảng 0,5–1 cm nên không làm đau; hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh; hồi phục nhanh, có thể đi lại dễ dàng trong 12 – 24 giờ và xuất viện trong 24 – 48 giờ sau mổ.

Nếu không thực hiện nội soi chẩn đoán trong trường hợp khó khăn chẩn đoán, người bệnh phải nằm viện lâu, kéo dài thời gian theo dõi, chờ đợi và lo lắng không biết nếu bị TNTC thì mình sẽ bị vỡ TNTC khi nào.

Nội soi con có tính thẩm mỹ cao do không có vết sẹo lớn trên bụng.

-------------------------------------------

Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước