benhvienmyphuoc.vn

PHÁT HIỆN SỚM CĂN BỆNH GLAUCOMA (Glôcôm)

09/03/2020

Trong các bệnh về mắt, Glaucoma đứng hàng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù trên thế giới. Những người lớn tuổi thường gặp phải sự suy giảm thị lực và rất dễ mắc các bệnh về mắt, trong đó phải nhắc tới Glaucoma. Ở các nước đã phát triển khoảng 50% và 90% bệnh nhân ở các nước đang phát triển không biết mình đang mắc bệnh. Đây là một bệnh âm thầm tiến triển, người bệnh chỉ nhận ra mình đang mắc bệnh khi thấy mắt nhìn mờ.

Bệnh Glaucoma, dân gian gọi là bệnh cườm nước hay bệnh thiên đầu thống, là một nhóm bệnh làm tăng nhãn áp tổn hại thần kinh thị giác. Nếu áp lực nhãn cầu tăng kéo dài sẽ chèn ép làm tổn thương dần thần kinh thị giác phía sau và gây giảm thị lực dần dần, có thể gây mù lòa nếu không điều trị kịp thời.
Vì thế các chuyên gia y tế hay ví von căn bệnh này là “kẻ giấu mặt thầm lặng” hay “kẻ đánh cắp thị lực âm thầm”.

 Một số yếu tố nguy cơ gây Glaucoma
  • Tuổi > 40
  • Tiền sử trong gia đình có người bị Glaucoma
  • Sử dụng corticoid trong thời gian dài
  • Tiền sử bệnh Tiểu đường, Tim mạch, Tăng huyết áp…
  • Có tật khúc xạ ( Cận thị, Viễn thị)
  • Có tiền sử chấn thương mắt hoặc đã có phẫu thuật về mắt nhất là các phẫu thuật nội nhãn…

Bệnh Glaucoma có rất nhiều loại - thường nhất là bệnh Glaucoma góc mở. Người bệnh thường không có triệu chứng. Áp lực trong mắt của người bệnh Glaucoma góc mở tăng lên từ từ; cho nên người bệnh thường không bị đau đớn và không có triệu chứng. Tầm nhìn của người bệnh mất từ từ ở chung quanh, nhìn mờ dần và cuối cùng là mù hoàn toàn.

-  Không giống như glaucoma góc mở, những bệnh nhân bị glaucoma góc đóng có áp lực trong mắt tăng lên rất cao đột ngột làm cho mắt đau nhức, nhìn mờ, đau đầu, buồn nôn… Tuy nhiên, bệnh glaucoma góc đóng cũng có thể biểu hiện âm thầm (glaucoma góc đóng mạn tính) làm bệnh nhân không để ý; cuối cùng tổn hại thần kinh mắt.
-  Với tâm lý chung của người dân khi bệnh nhẹ ngại đến bác sĩ hoặc vào bệnh viện. Và thường tự ý mua thuốc tại các quầy thuốc tây nhỏ lẻ. Đó là lý do khi bệnh nặng, mắt mờ nhiều mới đến gặp bác sĩ, lúc đó thị giác đã tổn hại không hồi phục, bác sĩ chỉ điều trị để duy trì và kéo dài thị lực hiện tại, không cải thiện được thị lực như lúc ban đầu.

Không có cách phòng ngừa Glaucoma. Để phát hiện sớm căn bệnh “giấu mặt thầm lặng” này. Nên:
-  Đi khám ngay nếu chúng ta có cảm giác mắt mệt mỏi, nặng nề, khó chịu… và với các yếu tố nguy cơ như trên.
-  Thăm khám 1 lần/1 năm với người > 40t.
-  Thăm khám 2 lần/1 năm với người có nguy cơ hoặc trên 65t.
-  Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục hàng ngày…
-  Ăn uống tăng cường dinh dưỡng cho mắt:

Thực phẩm chứa nhiều Lutein và Zeaxanthin, là 2 carotenoid tạo nên điểm vàng võng mạc, thu nhận tín hiệu ánh sáng : cải xoăn, cải rổ, rau cần tây, rau diếp, dưa chuột…
  • Thực phẩm chứa Vitamin A: gan, cà rốt, lòng đỏ trứng, ớt…
  • Vitamin E: dầu thực vật, các loại ngũ cốc, sữa, bơ, hải sản…
  • Vitamin C: trái cây, bí đỏ, cà chua…
  • Chất kẽm Zn trong thịt nạc và các loại đậu…
-  Kiêng :
  • Hạn chế thức uống có chứa trà , cafein, cồn…gây hưng phấn thần kinh, ảnh hưởng giấc ngủ.
  • Kiêng mỡ động vật.
Bệnh Glaucoma có thể làm suy giảm thị lực nghiêm trọng và gây ra mù nếu kéo dài mà không có cách điều trị chính xác. Điều trị Glaucoma là điều trị suốt đời.
Điều quan trọng nhất là phải phát hiện sớm Glaucoma bằng cách thăm khám mắt định kỳ, điều trị liên tục, lâu dài để ngăn hoặc làm giảm nguy cơ mất dần thị lực và duy trì chất lượng sống cho người bệnh.

-----------------------------------------------------------

Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước