benhvienmyphuoc.vn

MPH - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH TRĨ VÀ PHƯƠNG PHÁP PHẪU THUẬT TRĨ LONGO

09/11/2020

Ông bà ta xưa thường nói: “Thập nhân cửu trĩ”, nghĩa là 10 người thì 9 người bị trĩ, cho thấy tần suất bệnh trĩ rất cao, theo thống kê cho thấy tỉ lệ bệnh trĩ trong dân số khoảng 25% - 40%.

Vậy bệnh trĩ là gì? Trĩ là đám rối tĩnh mạch tạo lớp đệm cho hậu môn. Bệnh trĩ là khi có sự dãn quá mức đám rối tĩnh mạch này gây ra các triệu chứng cho người bệnh như chảy máu khi đi cầu, khối lòi hậu môn, đau vùng hậu môn...
1. Nguyên nhân dẫn dến bệnh trĩ?

  • Hiện tại nguyên nhân của bệnh trĩ chưa được xác định chắc chắn và rõ ràng, tuy nhiên người ta thống kê những yếu tố nguy cơ, yếu tố thuận lợi hình thành nên bệnh trĩ:
  • Táo bón kinh niên: Phải rặn nhiều khi đi cầu.
  • Hội chứng lỵ: Phải đi cầu nhiều lần trong ngày, mỗi lần đi cầu phải rặn nhiều.
  • Tăng áp lực ổ bụng: Ho nhiều, tiểu khó, báng bụng, có thai, khuân vác nặng...
  • U bướu vùng hậu môn trực tràng và vùng xung quanh.
  • Tư thế đứng nhiều , ngồi lâu do công việc.

2. Bệnh trĩ có nguy hiểm không? Đối tượng nào dễ mắc bệnh này?

Bệnh trĩ là bệnh lành tính của hậu môn cho nên ít gây nguy hiểm cho tính mạng, tuy nhiên những triệu chứng của bệnh trĩ gây ra khó chịu cho người mắc bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống. Bệnh ở vùng kín đáo nên người bệnh thường ngại đi khám nên khi đến khám bệnh thì những triệu chứng đã rất nặng nề gây khó khăn cho điều trị và hồi phục bệnh.


Như đã nói ở trên về những yếu tố thuận lợi dẫn dến bệnh trĩ thì những đối tượng dễ mắc bệnh là những người táo bón thường xuyên, những người có công việc phải ngồi nhiều, đứng lâu một chỗ: Công nhân, nhân viên văn phòng, phụ nữ có thai, người mắc những bệnh lý làm tăng áp lực trong khoang bụng...
3. Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh trĩ?

  • Bệnh trĩ gây ra những triệu chứng:
  • Đi cầu ra máu đỏ tươi, máu nhỏ giọt hoặc phun thành tia.
  • Khối lòi ở hậu môn khi đi cầu, tự thụt vào khi đi xong hoặc phải dùng tay đẩy vào
  • Đau vùng hậu môn khi trĩ có biến chứng tắc mạch.
  • Ẩm ướt vùng hậu môn.

4. Triệu chứng có dễ nhầm lẫn với những bệnh khác vùng hậu môn trực tràng không? Tại sao?
Một triệu chứng có thể là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác nhau nên triệu chứng của bệnh trĩ có thể nhầm lẫn với những bệnh lý khác vùng hậu môn trực tràng (HMTT)
Chẳng hạn: Đi cầu ra máu có thể là triệu chứng của bệnh trĩ nhưng cũng là triệu chứng của bệnh nứt hậu môn,viêm loét vùng HMTT, thậm chí ung thư HMTT...
Khối lòi ở hậu môn có thể là bệnh trĩ nhưng cũng có thể là da thừa hậu môn, polyp HMTT, u trực tràng, sa niêm mạc trực tràng...
Đau hậu môn có thể là bệnh trĩ,nứt hậu môn, abscess vùng hậu môn...
Cho nên người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám và xác định chính xác bệnh.
5. Chẩn đoán và xét nghiệm cần thiết?
Người bệnh đến khám sẽ được hỏi kỹ về những triệu chứng mắc phải, Bác sỹ sẽ thăm khám kỹ vùng HMTT để xác định bệnh đồng thời phân biệt với những bệnh lý khác vùng này.
Sau đó người bệnh được cho chỉ định đi nội soi hậu môn trực tràng. Nội soi HMTT rất cần thiết vì không chỉ để chẩn đoán bệnh trĩ mà qua đó có thể tìm ra những bệnh lý khác như ung thư HMTT, viêm loét HMTT ...để có chỉ định điều trị chính xác, không bỏ sót bệnh. Ngoài ra còn cần làm thêm xét nghiệm, siêu âm và một số cận lâm sàng khác để tìm ra những bệnh lý liên quan.
6. Vì sao phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh trĩ?
Khi mang thai thì tuần hoàn máu trong cơ thể sẽ tăng lên rất nhiều, đồng thời thai ngày càng lớn sẽ làm tăng áp lực trong khoang bụng, chèn ép gây ứ trệ, ngăn hồi lưu máu nên dễ dẫn đến bệnh trĩ. Tuy nhiên khi sanh xong thì những triệu chứng này sẽ hồi phục và không cần can thiệp gì, chỉ can thiệp khi trĩ có biến chứng như tắc mạch, hoại tử...
7. Các mức độ của bệnh trĩ
Trĩ có trĩ nội và trĩ ngoại, trĩ nội nằm phía trong,trên đường lượt, trĩ ngoại nằm phía ngoài.
Phân độ bệnh trĩ:

  • Độ I: Nằm trong hậu môn chưa sa ra ngoài,có thể gây chảy máu khi đi cầu.
  • Độ II: Lấp ló ngoài hậu môn khi đi cầu, khi đi xong tự thụt vào.
  • Độ III: Lòi ngoài hậu môn khi đi cầu, phải dùng tay đẩy vào.
  • Độ IV: Nằm thường xuyên ngoài hậu môn

Khi người bệnh có vừa trĩ nội và trĩ ngoại đồng thời kết hợp với nhau sa ra ngoài sẽ có trĩ hỗn hợp.
Khi người bệnh có nhiều búi trĩ kết hợp nhau sa ra ngoài hậu môn thành vòng gọi là trĩ vòng.
8. Phương pháp điều trị bệnh trĩ hiện nay
Khi bệnh trĩ ở mức độ nhẹ I, II: Chỉ điều trị nội khoa thuốc uống, nhét hậu môn,chống táo bón đồng thời cải thiện chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, điều chỉnh thói quen đi đại tiện, chế độ sinh hoạt, làm việc...
Chỉ định phẫu thuật khi trĩ độ III, IV trở lên.
Hiện có rất nhiều phương pháp phẫu thuật trĩ, tuy nhiên 2 phương pháp được thực hiện nhiều nhất là cắt trĩ từng búi kinh điển theo Milligan – Morgan và phẫu thuật Longo.
9. Khi nào thì có chỉ định phẫu thuật cắt trĩ ? Thời gian điều trị bao lâu?
Chỉ định phẫu thuật đã có nói ở trên, phẫu thuật khi trĩ độ III trở lên, hoặc có biến chứng tắc mạch, chảy máu nhiều mà điều trị thuốc không hiệu quả.
Thời gian điều trị tùy thuộc vào mức độ bệnh:

  • Nếu mức độ nhẹ chỉ uống thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống, thói quen, sinh hoạt, không phải nằm viện.
  • Khi có chỉ định phẫu thuật thì sau phẫu thuật phải nằm lại viện từ 1-3 ngày tùy theo đau nhiều hay ít, sau đó được xuất viện hướng dẫn điều trị và chăm sóc tại nhà cho đến khi vết thương khỏi hẳn.

10. Phẫu thuật Longo thực hiện như thế nào? Ưu điểm của phương pháp này?
Phẫu thuật Longo sử dụng loại máy cắt nối tự động, chuyên dụng và chỉ dùng 1 lần cho 1 bệnh nhân. máy cắt khoanh niêm mạc trên trĩ làm triệt mạch trĩ, làm búi trĩ teo lại đồng thời kéo đính trĩ vào trong.
Phương pháp này có ưu điểm là ít đau, ít chảy máu, thời gian phải nằm lại viện ngắn, đồng thời vẫn bảo tồn được chức năng của lớp đệm quanh hậu môn.


Tuy nhiên không phải mức độ bệnh trĩ nào cũng có thể thực hiện được phương pháp Longo, nên chỉ định phải do Bác sỹ chuyên khoa khám, đánh giá và cho chỉ định chính xác.
11. Khả năng tái phát bệnh trĩ
Có lẽ đây là câu hỏi mà người bệnh mong đợi nhất. Hiện tại có nhiều cơ sở y tế quảng cáo là phẫu thuật triệt để 1 lần, không tái phát...nhưng câu trả lời là bệnh trĩ vẫn có khả năng tái phát sau phẫu thuật. Tái phát sau thời gian bao lâu, có tái phát hay không là tùy vào chế độ ăn uống, sinh hoạt, thói quen đi đại tiện, chế độ làm việc, loại bỏ được hết những yếu tố nguy cơ nếu làm tốt được những điều đó thì người bệnh trĩ có thể khỏi hẳn bệnh mà không bị tái phát.
12. Chế độ chăm sóc và dinh dưỡng sau phẫu thuật trĩ
Sau phẫu thuật bệnh nhân được ăn uống lại sớm, nên ăn nhiều chất xơ, rau củ giúp đi cầu dễ dàng cho vết thương mau lành, không bị chảy máu, có thể tự chăm sóc vết thương, ngâm rửa theo hướng dẫn của nhân viên y tế khi xuất viện tùy theo từng trường hợp cụ thể, đồng thời tái khám theo hẹn để được Bác sỹ chuyên khoa kiểm tra lại vết thương.
13. Cách phòng ngừa bệnh trĩ

  • Ăn uống sinh hoạt: Chế độ ăn nhuận trường, nhiều rau, nhiều trái cây. Đại tiện đúng giờ, thể dục đều đặn, thể thao vừa sức.
  • Lao động: Tránh ngồi lâu, đứng lâu một chỗ, lao động nặng.
  • Điều chỉnh các rối loạn đại tiện: Nếu táo bón nên dùng thuốc nhuận trường. Điều chỉnh co bóp ruột, hội chứng ruột kích thích.
  • Điều trị các bệnh mạn tính: Tránh ho nhiều, điều chỉnh huyết áp. Không để tiểu khó, chú ý tình trạng tiền liệt tuyến.

14. Phẫu thuật Longo tại Bệnh viện Đa khoa MỹPhước
Khoa Ngoại Tổng Quát của bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước (MPH) với đội ngũ Bác sỹ chuyên khoa giàu kinh nghiệm đã áp dụng thành công phương pháp Longo điều trị bệnh trĩ cho rất nhiều trường hợp.
Với quy trình thăm khám nhanh chóng, đảm bảo tế nhị, dịch vụ chăm sóc hậu phẫu chu đáo, tận tình, Khoa ngoại MPH luôn được người bệnh đánh giá cao về: chất lượng chuyên môn, thái độ giao tiếp, cơ sở vật chất…trong các đợt khảo sát chất lượng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng thẻ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm bảo lãnh … giúp người bệnh an tâm hơn về chi phí điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp Longo theo chỉ định của Bác sỹ chuyên khoa

BSCKI. Huỳnh Thanh Nhứt trưởng khoa Ngoại TổngQuát MPH biên soạn

 

-------------------------------------------------------
Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước
Đường TC3, Tổ 6, Khu Phố 3, Phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, Bình Dương.
ĐT: 0274.3553.777 Fax: 0274.3553.659
ĐT Cấp cứu: 0274.3535.115
Website: https://benhvienmyphuoc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/benhvienmyphuoc