benhvienmyphuoc.vn

MPH - ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

04/11/2020

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh thường gặp. Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới, thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến nhất trong số các bệnh về cột sống, tỉ lệ thoát vị đĩa đệm ở người trưởng thành là 30%, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chiếm hơn 70% Tại Việt Nam, độ tuổi bị thoát vị đĩa đệm là 30 – 60 tuổi, đặc biệt bệnh này ngày càng có xu hướng trẻ hóa và gia tăng nhiều hơn. Bệnh thoát vị đĩa đệm tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng vận động cũng như chất lượng cuộc sống.

Bệnh thoát vị đĩa đệm được chia ra thành các thể: thể cấp tính cùng với thể bệnh bán cấp và mãn tính.
Thể cấp tính: Thường xuất hiện sau những chấn thương hoặc những lao động gắng sức, sai tư thế như bưng, bê, mang vác nặng…Khi đó bệnh nhân đau thắt lưng dữ dội, không đi lại được, đau tăng khi ho, hắt hơi, thay đổi tư thế và bệnh nhân thường phải đến bệnh viện trong trường hợp cấp cứu
Thể bệnh bán cấp và mãn tính: Xuất hiện ở những người thường xuyên làm việc trong tư thế xấu, ví dụ như: khom lưng khi mang vác, bưng bê vật nặng, hoặc tư thế không vững chắc như đứng chênh vênh khi với một vật trên cao…cũng như bệnh nhân cấp tính không điều trị triệt để rồi chuyển sang thể bệnh bán cấp và mãn tính. Với những dấu hiệu như: đau thắt lưng, đau tăng khi vận động hoặc thay đổi tư thế, đau lan xuống khu vực mông và chân, kèm theo tê, nếu lâu dài có thể dẫn đến teo cơ, rối loạn cảm giác, có những trường hợp rối loạn cơ tròn: (tiêu, tiểu không tự chủ)
Để chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm với những triệu chứng lâm sàng như: sự thay đổi đường cong sinh lý của cột sống, các điểm đau cạnh sống, dấu bấm chuông, xuất hiện các điểm đau Valliex, dấu Lassegue dương tính, giảm biên độ hoạt động của cột sống thắt lưng… Ngoài ra phương pháp cận lâm sàng vô cùng quan trọng là chụp MRI. Đây là tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán bệnh
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm. Tuỳ theo tình trạng bệnh mà bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật ngoại khoa hoặc điều trị bảo tồn cho bệnh nhân. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, các trường hợp sau nên hướng tới điều trị phẫu thuật ngoại khoa như: tổn thương rễ thần kinh nặng, chèn ép tuỷ, tổn thương tuỷ, hội chứng chùm đuôi ngựa có rối loạn cơ tròn, thoát vị đĩa đệm thắt lưng có mảnh đĩa đệm vỡ rời, đau dữ dội sau 2 tháng điều trị bảo tồn tích cưc mà triệu chứng không thuyên giảm. Tuy nhiên, tin vui là một số biện pháp điều trị “bảo tồn” có thể giúp thuyên giảm đến 80 – 90% tình trạng bệnh. Bảo tồn ở đây hiểu đơn giản là không tác động dao kéo vào vị trí bị thoát vị mà sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu như nhiệt trị liệu, điện trị liệu, kéo giãn… giúp phục hồi đĩa đệm và y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt… giúp giảm đau, giãn cơ.
Tại BV Mỹ Phước, áp dụng kết hợp cả hai phương pháp y học cổ truyền và phục hồi chức năng để mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh thoát vị đĩa đệm.

So sánh Đĩa đệm bình thường và Thoát vị đĩa đệm

1. Kéo giãn và kéo nắn:
Tác dụng: Khi kéo giãn làm tăng khoảng cách giữa các đốt sống, làm căng dây chằng dọc sau tạo một lực ép vào trung tâm vào mặt sau khớp và lực hút để kéo đĩa đệm bị lồi về trung tâm của khớp, làm rộng lỗ liên hợp
Kéo nắn bằng tay: là kỹ thuật tác động trực tiếp bằng tay lên cột sống thắt lưng. Bác sĩ dùng tay tạo ra một lực phù hợp để đưa khớp xương bị lệch trở về vị trí. Quá trình nắn chỉnh này sẽ giúp cơ thể tự sản sinh ra hoocmon giảm đau là endorphin. Đây là một cách trị bệnh cơ bản và tự nhiên, không sử dụng thuốc mà vẫn hiệu quả


Kéo giãn bằng máy: trọng lượng kéo tùy theo thể trọng cơ thể, độ tuổi, giới tính, mức độ đau của từng bệnh nhân ( thường ¼ đến ½ trọng lượng cơ thể). Thời gian kéo 10 - 15 phút mỗi ngày 1 lần.
2. Điện xung:
Tác dụng: Giảm đau, giảm co thắt cơ, tăng tuần hoàn, giảm phù nề do chấn thương, điều hòa rối loạn tuần hoàn ngoại vi , chống viêm trong các viêm không có nhiễm khuẩn. Thời gian và tần suất điều trị: 15-20 phút mỗi ngày 1 lần

3. Siêu âm:
Tác dụng: Giảm kết dính, giảm đau, tăng tính thấm qua màng  giảm viêm, tăng cung cấp máu  tái tạo mô. Thời gian và tần suất điều trị: 05-10 phút mỗi ngày 1 lần
4. Hồng ngoại:
Tác dụng: Giảm đau, giãn cơ, tăng cung cấp máu, tăng biến dưỡng. Thời gian và tần suất điều trị: 10-15 phút mỗi lần/ ngày 1 lần
5. Xoa bóp:
Tác dụng: Tăng tính linh hoạt cho khớp, kích thích các huyệt đạo, giãn cơ, giảm sưng viêm và đau, tăng khả năng hoạt động. Thời gian và tần suất điều trị: 20-30p mỗi lần/ ngày 1 lần

6. Điện châm:
Tác dụng: Giãn cơ, giảm sưng viêm và đau, tăng tuần hoàn, lưu thông khí huyết. Thời gian và tần suất điều trị: 15-20p mỗi lần/ ngày 1 lần

Hầu hết người bệnh thoát vị địa đệm đến với khoa YHCT-PHCN của bệnh viện Mỹ Phước điều trị kết hợp bằng hai phương pháp Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, sau 2 đến 3 tháng điều trị liên tục đều giảm hầu hết các triệu chứng đau, tê, co cứng cơ, hạn chế vận động, người bệnh có thể đứng, đi lại bình thường.
Thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến có thể gây tàn phế nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể phòng ngừa được bằng những biện pháp đơn giản trong cuộc sống hằng ngày. Những người hay làm việc lâu với một tư thế cần đổi tư thế sau một khoảng thời gian. Những người làm việc mang vác vật nặng thường xuyên như khuân vác, cạo mủ, khi nhấc vật nặng, hãy dùng chân và tay làm lực nâng vật lên, không nên dùng lực của lưng. Nên tập, giữ tư thế đứng thẳng cho cột sống trong bất kì công việc gì kể cả mang vác, bưng bê hay giặt giũ, bế trẻ em, lái xe, tránh tư thế sai khiến cột sống quá giới hạn như quá ưỡn, quá khom. Không nên nằm trên mặt phẳng cong như võng, nệm quá mềm. Thường xuyên tập những bài tập nhẹ nhàng ở tư thế nằm như đạp xe trên giường, yoga phù hợp, bơi lội. Ăn uống hợp lý không để cơ thể thừa cân, béo phì vì cân nặng quá cao sẽ tạo áp lực lớn lên đĩa đệm cột sống… Bệnh nhân cần đi khám khi thấy các triệu chứng của bệnh để phát hiện và có phương pháp chữa trị sớm, kịp thời. Tuyệt đối không tự ý điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng khi chưa có ý kiến tư vấn của bác sĩ.

-------------------------------------------------------
Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước
Đường TC3, Tổ 6, Khu Phố 3, Phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, Bình Dương.
ĐT: 0274.3553.777 Fax: 0274.3553.659
ĐT Cấp cứu: 0274.3535.115
Website: https://benhvienmyphuoc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/benhvienmyphuoc