benhvienmyphuoc.vn

MPH - CÁCH XỬ TRÍ DỊ VẬT ĐƯỜNG THỞ Ở TRẺ EM

04/02/2021

Dị vật đường thở (sặc sữa, hóc xương, hóc hạt trái cây, thạch rau câu…) thỉnh thoảng gặp ở trẻ em, đôi khi gây nguy hiểm tính mạng.

Biết cách xử trí tại chỗ giúp cho trẻ được an toàn, tránh được những sai lầm tai hại.
1.Những biểu hiện khi bị dị vật đường thở
Trẻ đột ngột ho sặc sụa, tím tái, thở rít, tình trạng nặng có thể hôn mê, ngừng thở.
Thông thường các có các biểu hiện trên khi bé đang ăn, uống, hoặc cầm đồ vật nhỏ có thể đưa vào miệng, mũi.
2.Cách xử trí
Khi trẻ bị dị vật đường thở hoặc nghi có dị vật đường thở:

a/ Nếu trẻ không khó thở hoặc khó thở nhẹ, chỉ cần cho trẻ ngồi, hoặc mẹ bồng.
Không nên can thiệp gì, vì có thể làm cho dị vật vào sâu trong đường thở, gây nguy hiểm.
Chỉ theo dõi sát, và nhẹ nhàng, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để khám.
b/ Nếu trẻ khó thở nhiều tím tái, hoặc ngừng thở: Cần cấp cứu ngay.

+ Đối với trẻ lớn, làm thủ thuật Heimlich:

Trẻ còn tỉnh:

  • Đứng hoặc quỳ sau lưng trẻ, cho trẻ tựa lưng vào người cấp cứu. Quàng hai tay ra trước bụng, một tay để nắm đấm lên vùng bụng , ngay dưới xương ức, tay kia ôm lấy nắm đấm.
  • Dùng lực 2 tay ép mạnh vào bụng của trẻ, theo hướng từ trước ra sau, và từ dưới lên trên. Thực hiện 5 lần liên tục, cho đến khi trẻ thở lại bình thường.
  • Nếu sau đó, trẻ còn khó thở, thì lặp lại động tác trên.

Trẻ bất tỉnh, ngưng thở:

  • Cho trẻ nằm ngửa, cấp cứu viên quỳ gối, tì 2 chân lên đùi trẻ, dùng 1 hay 2 bàn tay ấn mạnh đột ngột vào vùng bụng dưới xương ức 5 cái liên tục

+ Đối với trẻ nhỏ: dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực.

  • Cho trẻ nằm sấp trên tay trái, dùng bàn tay đỡ đầu trẻ, đầu trẻ cúi thấp, tay phải vỗ mạnh vào lưng trẻ giữa 2 xương bả vai 5 lần.
  • Sau đó, nếu trẻ chưa thở được, cho trẻ nằm ngửa, dùng 2 ngón tay ấn mạnh vào xương ức trẻ 5 cái
  • Có thể lặp lại nhiều lần đến khi trẻ thở lại được.
  • Dù trẻ đã thở lại, cũng nên đem trẻ tới cơ sở y tế để khám.

3. Phòng ngừa

  • Đối với trẻ nhỏ, khi cho bú, ăn, nên cho trẻ ở tư thế ngồi hoặc đầu cao, không nên nằm ngửa, dễ gây sặc.
  • Không để trẻ chơi những đồ vật nhỏ, có thể nhét vào mũi, miệng.
  • Không để trẻ tự ăn trái cây có hạt: nhãn, sapoche..., rau câu, thạch dừa.
  • Cần phải chắc chắn thức ăn của trẻ đã được loại bỏ xương, rau còn nguyên cộng dài
  • Khi trẻ nôn ói, cho trẻ nằm nghiêng đầu một bên.

-------------------------------------------------------
Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước
Đường TC3, Tổ 6, Khu Phố 3, Phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, Bình Dương.
ĐT: 0274.3553.777 Fax: 0274.3553.659
ĐT Cấp cứu: 0274.3535.115
Website: https://benhvienmyphuoc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/benhvienmyphuoc