benhvienmyphuoc.vn

XUẤT HUYẾT DƯỚI KẾT MẠC

22/04/2024

Thời gian gần đây, Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước tiếp nhận bệnh nhân bị Xuất huyết dưới kết mạc tương đối nhiều. Người bệnh và có khi là cả gia đình đều lo lắng không hiểu tại sao mắt lại bị đỏ như thế, thị lực có bị ảnh hưởng hay không, có nguy hiểm gì không... Tất cả những băn khoăn lo lắng đó sẽ được BS. CKI Tiêu Thị Cẩm Mai - Trưởng khoa Mắt giải đáp ngay sau đây.

Xuất huyết dưới kết mạc là khi mạch máu trong mắt bị vỡ, dân gian quen gọi là chảy máu mắt hay chảy máu ở lòng trắng.

Triệu chứng Xuất huyết dưới kết mạc

  • Xuất hiện vết màu đỏ tươi trong lòng trắng. Mặc dù hình thái có máu nhưng xuất huyết dưới kết mạc không gây thay đổi thị lực; không gây tiết dịch ở mắt hoặc đau mắt.
  • Người bệnh có thể có cảm giác hơi cộm trên bề mặt nhãn cầu.

Bệnh nhân cần đi khám ngay:

- Nếu xuất hiện vết đỏ tươi trong mắt, người bệnh nên đến khám để chắc chắn là không có gì nghiêm trọng

- Xuất huyết dưới kết mạc tái phát nhiều lần hoặc bị chảy máu ở chỗ khác.

- Xuất huyết dưới kết mạc kèm theo: mắt đau nhức, nhìn mờ nhòe, nhìn đôi…

- Xuất huyết dưới kết mạc kèm: 

  • Có tiền sử tăng huyết áp
  • Có tiền sử các bệnh gây xuất huyết
  • Xuất huyết kèm theo chấn thương vùng đầu mặt
  • Xuất huyết ở cả 2 mắt kèm với xuất huyết ở cơ quan khác như chảy máu chân răng, chảy máu mũi…

Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết dưới kết mạc

Nguyên nhân thường không rõ ràng, nhưng những hành động sau có thể làm vỡ mạch máu nhỏ trong mắt và gây ra tình trạng xuất huyết:

  • Ho dữ dội
  • Hắt hơi mạnh
  • Nôn
  • Dụi mắt quá mạnh: do ngứa, xốn, cộm mắt...
  • Chấn thương vùng mắt: bị va đập vào mắt, dị vật trong mắt…
  • Chấn thương vùng đầu mặt
  • Sử dụng các loại thuốc chống đông máu trong điều trị các bệnh lí toàn thân khác
  • Người bệnh sử dụng nhiều các chất kích thích như rượu, bia…
  • Mắc bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh huyết áp…

Những người có nguy cơ: các yếu tố có thể khiến tăng nguy cơ mắc xuất huyết dưới kết mạc

  • Mắt bị chấn thương hoặc các chấn thương khác có ảnh hưởng đến mắt.
  • Người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) hoặc tăng huyết áp có nguy cơ cao hơn.
  • Trẻ sơ sinh thường dễ bị nhạy cảm khi thay đổi áp lực lúc đẻ và do đó có nguy cơ dẫn đến xuất huyết dưới kết mạc.
  • Sự tăng, giảm áp suất đột ngột ở đường thở; thường gặp khi bơi lội, lặn biển.
  • Có dị vật bên trong mắt hoặc do đeo kính áp tròng mà đôi khi cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến mắt bị trầy xước và xuất huyết.
  • Sử dụng thuốc chống đông máu có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết dưới kết mạc: Warfarin và aspirin…
  • Thiếu vitamin C, vitamin K; thiếu yếu tố đông máu XIII.
  • Viêm kết mạc do Enterovirus 70 và Coxsackie A, nhiễm Leptospira (xoắn khuẩn).
  • Ngoài ra, một số thảo dược như ginkgo… có thể làm tăng nguy cơ tiềm tàng chảy máu trong mắt. Vì thế nên nói với bác sĩ nếu bạn đang dùng thảo dược.

Điều trị: tùy từng những nguyên nhân dẫn đến xuất huyết dưới kết mạc mà cách điều trị khác nhau:

  • Nếu bệnh nhân đang dùng các thuốc chống đông máu, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc để dừng, giảm liều, hoặc chuyển đổi các thuốc chống đông đang dùng.
  • Với người do thiếu vitamin C: phải bổ sung lượng vitamin C cho cơ thể bằng cách uống thuốc hàng ngày.
  • Tra thuốc nhỏ mắt để làm dịu mắt và không bị mỏi, cộm mắt. Có thể dùng thuốc nhỏ mắt như nước mắt nhân tạo để làm dịu cảm giác cộm trong mắt.

Ngoài ra cần kết hợp:

  • Uống ít rượu bia.
  • Tránh các hành động gây tổn thương đến mắt như: không dụi mắt quá nhiều.
  • Nên nghỉ ngơi để vết xuất huyết khỏi lan rộng.
  • Tránh va đập, đùa nghịch gây hại cho mắt.
  • Cần đeo kính bảo vệ khi đi đường, tránh bụi và ô nhiễm.

Và không có cách nào để ngăn chặn bệnh xuất huyết dưới kết mạc, trừ khi nguyên nhân được xác định rõ ràng: dùng thuốc chống đông máu,….

Trong xuất huyết dưới kết mạc, máu thường tự tiêu hết dần trong 2 tuần, không ảnh hưởng thị lực và các phần khác của mắt. Bệnh không nguy hiểm trừ trường hợp xuất huyết ở cả 2 mắt kèm với xuất huyết ở cơ quan khác hoặc sau chấn thương có kết hợp với tổn thương khác của mắt.

Tuy vậy, nếu sau 2 tuần, xuất huyết không biến mất, thậm chí có xu hướng lan rộng hơn; xuất huyết ở cả 2 mắt kèm với xuất huyết ở cơ quan khác như chảy máu chân răng, chảy máu mũi… thì là điều đáng lo ngại, cần đến gặp Bác sĩ để thăm khám xác định nguyên nhân.

Khoa Mắt MPH với đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, chuyên môn sâu về chăm sóc nhãn khoa đảm bảo công tác khám, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc tốt nhất cho đôi mắt của bạn.

Thời gian hoạt động: 07h00 - 16h00, thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần - Tiếp nhận khám BHYT thông tuyến cho người bệnh có thẻ BHYT trên toàn quốc.

-----------------------------------------------------------

BỆNH VIỆN ĐA KHOA MỸ PHƯỚC